Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Người Chủ Chăn đàn chiên... nqv

Mục tử là người chăn đàn chiên ,chăm sóc , vỗ về , hướng dẫn , dạy dỗ và hơn thế nữa ... mời bạn xem :

Tìm hiểu Công Giáo ... Đức Ông ...

Đức Ông là gì ?

Thua cha, xin cha cho con biet cac Duc Ong o ben toa thanh thi giu chuc vu gi trong Giao Hoi: Duc Ong co phai la linh muc, giam muc..... khong a. Con cam on cha

Bạn Nguyễn Công Diệu thân mến!

Đức ông là người có công với tòa thánh trong một công việc nào đó, và và được tòa thánh phong cho tước hiệu đức ông. Vì thế, đức ông không phải là chức thánh.

Đức ông có thể là linh mục, và có thể là giáo dân.

sự khác biệt giữa phép chuẩn và phép giao
kinh thua cha! con kg biet phep' chuan va phep giao co giong nhau khong? neu phep chuan va phep giao khac nhau thi khac nhau trong hoan canh nao? truong hop nao thi ta duoc dung phep chuan va truong hop nao thi duoc dung phep giao. xin cho con biet? con cam on nhieu con mong tin tra loi` gap con 1 lan nua xin cam on
Câu trả lời
Bạn thân mến!

“PHÉP CHUẨN” là phép của giáo quyền chuẩn chước để được thành hôn với nhau, giữa một người đã chịu phép Rửa Tội và một người chưa được rửa tội.
“PHÉP GIAO” là phép lam cho nghi thức hôn phối giữa một người đã chịu phép Rửa Tội và một người chưa được rửa tội thành bí tích.
Để được chuẩn chước phải có lý do chính đáng và hội đủ những điều kiện sau:

* Thứ nhất là phía Công Giáo phải tuyên bố sắn sàng loại bỏ tất cả những gì có nguy hại cho đức tin và họ phải thực sự cam đoan sẽ cố gắng hết sức để con cái sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo (GL1125,1).
* Thứ hai là phía không Công Giáo cũng được thông báo kịp thời về những lời cam đoan ấy, để họ có ý thức về nghĩa vụ của người bạn đường công giáo của mình (GL 1125,2).
* Điều kiện thứ ba là cả hai bên, Công Giáo cũng như không Công Giáo, cần phải được giáo huấn về mục đích và đặc tính thiết yếu của hôn nhân, đặc biệt là đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly của hôn nhân (GL 1125,3).


theo : www.trungtammucvudcct.com

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Bên em đang có ta ...abc

Mời bạn vào đây cho vui :

Nước Áo ... tổng quát ... nqv





Lịch sử



Đọc bài chính về lịch sử nước Áo

[sửa] Vương quốc Frank Đông (Ostfrankenreich)

Nhiều phần của nưóc Áo ngày nay thuộc về Vương quốc Frank của Karl Đại đế (Karl der Grosse). Sau Hiệp ước Verdun (843), Vương quốc Frank Đông được thành lập, trong đó từ năm 856 có Marchia Orientalis, một vùng trong Niederösterreich ngày nay, được đặt dưới quyền của dòng họ Karoling. Từ năm 955, sau khi hoàng đế Otto I của Đế quốc La Mã Thần thánh chiến thắng người Hung, vương quốc được mở rộng về phía đông nam. Nhiều lãnh địa mới của các công tước và hầu tước được thành lập bên cạnh Karantanien và Marchia Orientalis.

[sửa] Đế quốc La Mã Thần thánh (962–1806)

Năm 976 Marchia Orientalis được đặt dưới quyền của hầu tước Liutpold thuộc dòng họ Babenberger. Vào năm 996 tên Ostarrichi được nhắc đến lần đầu tiên trong một văn kiện, cách viết thành Österreich phát triển từ tên này mà ra. Năm 1156 Ostarrichi trở thành một công quốc.

Nối tiếp theo dòng họ Bebenberger là dòng họ Habsburg, do vua La Mã Rudolf I sáng lập năm 1273. Triều đại mới này đã mở rộng lãnh thổ của mình từ năm 1278 cho đến năm 1526. Các nổ lực vươn lên về quyền lực của họ đã đem lại một đại công quốc (Erzherzogtum) là yếu tố quan trọng trong liên minh của Đế quốc La Mã Thần thánh. Bắt đầu từ 1273, hay 1438 hầu như lúc nào triều đại Habsburg nào cũng đạt được danh hiệu vua Đức hoặc danh hiệu gắn liền vào đấy là danh hiệu hoàng đế La Mã cho đến năm 1804 khi hoàng đế Franz II (đế quốc La Mã Thần thánh) tự nhận thêm danh hiệu Hoàng đế Áo quốc (không thỏa thuận với luật của đế quốc) và Đế quốc La Mã Thần thánh tan rã vào năm 1806.

[sửa] Đế quốc Áo (1804–1867); Áo–Hung (1867–1918)

Nước của Hoàng đế Áo là một quốc gia đa dân tộc. Lãnh địa của dòng họ Habsburg-Lothringer chạy dài từ Böhmen và Mähren qua nước Áo ngày nay xuyên qua Hungary sâu xuống đến tận bán đảo Balkan. Từ 1815 đến 1866 hoàng gia ở Wien cũng đứng đầu trong Liên minh Đức, tan rã sau Chiến tranh Áo–Phổ.

Năm 1867 một nền quân chủ song đôi Áo–Hung được cấu thành nhưng chỉ lưu ý đến các quyền lợi của Áo và Hung; các yêu cầu chính trị của các nhóm dân tộc khác đòi độc lập nhiều hơn đã không được chú ý đến. Sau khi các vấn đế dân tộc bùng phát công khai qua Vụ ám sát thái tử Áo-Hung ở Sarajevo, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ năm 1914 dẫn đến chấm dứt nền quân chủ song đôi vào năm 1918.

[sửa] Đệ nhất cộng hòa (1918–1938) và Đế chế thứ ba (1938–1945)

Áo-Hung bị tan rã và trên lãnh thổ đó hình thành các quốc gia mới và nước Đức-Áo (Deutschösterreich). Trong Hiệp định Saint-German tên quốc gia này và nguyện vọng liên kết cùng với Cộng hòa Đức mới (Cộng hòa Weimar) bị cấm. Ngày 21 tháng 10 năm 1919 tên được đổi thành "Cộng hòa Áo" (Republik Österreich); năm 1920 hiến pháp mới được thông qua; năm 1931 nguyện vọng thành lập liên minh thuế quan với Đế chế Đức bị cấm.

Khoảng thời gian sau đó (1933) đã đem lại cho người dân một chế độ độc tài và năm 1938 việc gia nhập vào Đế chế Đức xã hội quốc gia của Adolf Hitler. Người độc tài trong Đế chế thứ ba đã thay thế tên quê hương của ông bởi "Ostmark" và ngay sau đó bởi "Donau-und Alpengaue". Chiến tranh thế giới lần thứ hai do Hitler gây ra cuối cùng đã chấm dứt chế độ phát xít chuyên chế và Đế chế thứ ba.

[sửa] Đệ nhị cộng hòa (từ 1945)

Sau 1945 Đế chế thứ ba bị quân đội Đồng Minh chiếm đóng và giải tán. Áo được tái thành lập và được chia làm bốn vùng chiếm đóng. Sau khi Cộng hòa trong Hiệp định quốc gia ngày 15 tháng 5 năm 1955 cam kết không gia nhập một "liên minh" nào nữa, quân đội Đồng Minh đã rời khỏi nước Áo. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 Áo tuyên bố "trung lập vĩnh viễn". "Ngày quốc kỳ" (Tag der Fahne) này được kỷ niệm


trong trường học cho đến 1965; từ 1967 ngày này trở thành ngày quốc khánh.

Năm 1969 Áo là nước cùng thành lập EFTA hướng tới một liên minh kinh tế. Nhờ vào tính trung lập nước Áo đã có thể kết nối các quan hệ kinh tế và văn hóa với các nước phía Tây và với các nước thuộc khối Đông Âu thời đấy, việc này đã giúp đỡ nước Áo lâu dài trong thời gian xây dựng lại. Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt năm 1991 chính sách trung lập dứt khoát được nới lỏng nhưng việc diễn giải một cách thỏa đáng tính trung lập trong trật tự thế giới mới đã thay đổi từ đấy là một đề tài chính trị đối nội đang được tranh cãi. Năm 1995 Áo gia nhập Liên minh châu Âu (EU); năm 1999 Áo bỏ đồng Schilling và cùng với các nước khác trong Liên minh đưa đồng Euro vào sử dụng.

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

Đạo trời ... nqv

TÔI THEO ĐẠO TRỜI...



1. Đạo Trời là gì ?

Đạo Trời là lòng tin tưởng một vị linh thiêng, tự hữu, toàn năng, toàn thiện, chí công, chí minh, ngự trên Trời; Đấng ấy gọi nôm là Ông Trời, là Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Đấng Tối Cao, tùy tiếng nói của mỗi dân tộc.

2. Tại sao nhận biết có Trời ?

Nhìn vào vũ trụ bao la, tinh vi huyền diệu, tôi nhận rằng phải có bàn tay tác tạo...

Ta xem một chiếc đồng hồ,
Nếu không có thợ, bao giờ thành thân,
Phương chi máy tạo xoay vần,
Tứ thời bát tiết muôn phần lạ hơn,
Nên ta phải lấy trí khôn,
Luận rằng có Đấng Chí Tôn sinh thành.
Con chim nó hót trên cành,
Nếu trời không có, có mình làm sao ?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có thì sao có mình ?
Trời là gốc của vạn vật “Thiên giả vạn vật chi tổ” ( Trọng Thư )

3. Những ai tin tưởng có Trời ?

Có thể nói rằng hầu hết nhân loại tin tưởng có Trời. Tính tự nhiên của con người, khi gặp nguy biến, đều kêu Trời ! Ca dao bình dân có bài:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nuớc tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm...

4. Đạo Trời có phải riêng cho một nước nào không ?

Đạo Trời chung cho mọi nước, mọi thời. “Thiên giả vạn vật chi tổ” ( Trọng Thư ); Đạo sáng suốt là bởi Trời ban xuống “Minh Đạo chi bản nguyên, xuất ư Thiên” ( Khổng Tử ).

5. Làm thế nào biết được Đạo Trời ở nơi mỗi người ?

Trời ban cho mỗi người có lương tri, lương tâm như ngọn đèn soi cho ta biết đâu là thật, đâu là dối, đâu là lành, đâu là dữ, đâu là phúc, đâu là tội, để ta lái mọi tư tưởng, hành động của ta sao cho hợp với đường lối của Trời. “Tri Thiên đạo, hành thân dĩ nhân nghĩa” ( Biết Đạo Trời thì ăn ở theo nhân nghĩa – Khổng Tử )

6. Mỗi người phải giữ Đạo Trời thế nào ?

Phải cố gắng tìm cho thấy rõ Đạo Trời. Phải lấy Đạo mà hướng dẫn đời sống – theo lương tâm mà lấy điều thiện làm vui, lấy đạo lý làm trọng – phải nhớ luật của Trời làm lành sẽ được thưởng, làm dữ sẽ bị phạ “Thiên vọng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”. ( Lưới trời rộng, thưa mà không lọt đâu ).

7. Bình thường, người ta thờ Trời như thế nào ?

Mỗi gia đình thường có bàn thờ trong nhà để thờ Trời và Ông Bà Tổ Tiên; có người xây trụ ở ngoài sân trước nhà, sớm tối vái lạy; thỉnh thoảng dâng hương nến, hoa quả để tỏ lòng tri ân.

8. Đạo Trời dạy ta phải cư xử với nhau như thế nào ?

Trời là gốc, là cha mẹ sinh thành, thì phải coi mọi người là anh chị em với nhau và cư xử như một đại gia đình nhân loại, lấy tình thương mà bao bọc.

9. Đạo Trời có từ bao giờ ?

Đạo Trời có từ khi Trời tác tạo ra con người có trí khôn biết suy luận, biết hướng về Trời, biết xem ý Trời thế nào mà hành động.

10. Ý Trời thế nào ?

Ý Trời là lương tri, lương tâm, Trời đã đặt trong lòng mỗi người, khác nào hạt giống đặt vào đất, sẽ dần dần nẩy mầm vươn lên thành cây, sinh hoa kết quả, thế là đạt tới mức độ mà ý Trời mong muốn.

11. Đạo Trời đưa người ta đến đâu ?

Đạo Trời đưa người ta về tới Trời. Trời là nguồn hạnh phúc vô cùng vô biên mà lòng người khao khát.

12. Sống đạo Trời có dễ không ?

Dễ hay khó là tại mỗi người. E dè thì khó. Cương quyết thì dễ. Sống theo luơng tâm, làm lành lánh dữ. “Vi thiện tối lạc” ( làm lành thì rất vui ). “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông” ( Nguyễn Bá Học ).

13. Trên đường thực hiện đạo Trời, người ta gặp những kẻ thù nào ?

Có ba loại: Một là ngay ở trong mình. Đó là tính mê nết xấu, dục vọng đê hèn... Hai là thế tục cám dỗ lôi cuốn đi vào sa đọa trụy lạc. Ba là Xa-tan ác quỷ, luôn tìm hại con người.

14. Con người đối phó thế nào với 3 loại kẻ thù nói trên ?

Phải tự tu tỉnh và kêu cứu kịp thời:
a. Tự tu là sửa trị tính nết xấu, loại trừ những sâu mọt đục khoét trong mình
b. Tự tỉnh là tỉnh táo đề phòng, tránh xa những cạm bẫy do thế tục giương lên để bắt mình
c. Kêu cứu kịp thời và xin Trời hộ giúp để Xa-tan ác quỷ không hại được mình.
Kẻ lành thánh, người khôn ngoan nhờ 3 việc đó là lúc nào cũng vững như kiềng 3 chân. “Trời giúp kẻ tự giúp”.
Chim khôn xa tránh lưới dò,
Người khôn tránh chốn ô đồ mới khôn.

15. Xa-tan ác quỷ ở đâu ra và mưu hại con người đến thế nào ?

Nó là một loài do Trời sinh ra, rồi vì tự kiêu tự đại mà phản bội với Trời, nên nó muốn phá việc của Trời, và không muốn cho con người trở về với Trời, vì như thế thì Trời được vinh hiển và con người được hạnh phúc thật. Xa-tan không làm gì được Trời, nhưng chỉ làm hại được con người bằng cách lôi cuốn dụ dỗ con người xa Trời, phản bội với Trời như nó. Người nào mắc mưu Xa-tan là đi đến chỗ tự sát và đồng khổ cực với nó sau này mãi mãi.

16. Có ai thắng được Xa-tan ác quỷ chưa ?

Các bậc thánh nhân lấy Đạo Trời làm lẽ sống, luôn cậy dựa quyền năng của Trời, bền chí quyết giữ Đạo dù chết cũng không bỏ. Những vị đó đã thắng được Xa-tan.

17. Đạo Trời từ xưa tới nay được công bố như thế nào ?

Lịch sử Đạo Trời là lịch sử nhân loại, vì Đạo Trời là đường lối để Trời đi xuống với nhân loại bằng cách tác tạo nên ta, và cũng là đường lối để nhân loại ta đi lên với Trời, đó là trở về nguồn chơn phúc vô biên mà ta khát vọng.

Đạo Trời được công bố bằng ba hình thức:

Hình thức thứ nhất là in sẵn vào tâm hồn mỗi người khi sinh ra. Đến tuổi khôn người ta nhìn thấy trong lòng mình ý nghĩa thế nào là lành, thế nào là dữ, đâu là phúc, đâu là tội, và khi làm trái lương tâm thì người ta thấy bứt rứt sầu khổ.

Hình thức thứ hai là đi vào lịch sử thực sự. Trời chọn một dân tộc, giao cho sứ mạng duy trì, phổ biến ý niệm về Đạo Trời, kêu gọi các dân tộc khác giác ngộ từ bỏ những tà thần mà Xa-tan đã bày đặt ra để lừa dối con người. Hình thức thứ hai này đã được thực hiện trong lịch sử dân Do Thái. Đạo luật của Trời xưa chỉ in trong lòng người thì đã được in vào bia đá trên núi Xi-nai và trao cho thủ lĩnh Mô-sê đem công bố cho dân một cách long trọng vào khoảng 1.250 năm trước Công Lịch.

Hình thức thứ ba tiếp tục lịch sử thực sự. Đó là việc Trời cử một Ngôi vị giáng trần, nhập thể làm một Con Người để sống với con người chúng ta, trực tiếp nói với nhân loại đường lối của Đạo Trời, và cho chúng ta biết Trời yêu thương ta như Cha yêu thương con, cùng dạy ta cách thức cầu nguyện thông hiệp với Trời. Ngôi vị Trời giáng trần đây chính là Đức Giê-su Ki-tô mà thân thế và sự nghiệp đã được lịch sử ghi nhận rõ ràng – và sự giáng trần của Ngài đã dựng nên một cái mốc phân chia lịch sử làm hai giai đoạn:
- Trước Ngài ( BC ): Tính từ Ngài lui về trước.
- Sau Ngài ( PC ): Tính từ Ngài cho tới nay.
Và cũng từ ngày Đức Giê-su Ki-tô di vào lịch sử nhân loại, Đạo Trời được sáng tỏ và mang thêm một tên mới là Ki-tô Giáo.

18. Việc Đức Giê-su Ki-tô đến có lợi gì cho nhân loại ?

Lợi rất nhiều, rất lớn, rất cần thiết:

a. Chính nhờ sự hy sinh của Ngài, nhân loại được Chúa Trời ( Thiên Chúa ) nhận vào hàng con cái và cho hưởng gia nghiệp Thiên Quốc nếu trung thành.

b. Nhờ lời giáo huấn và gương sống của Ngài, ta biết được gốc ngọn của mình, biết được lẽ sống chân chính, biết được đường lối trở về với Chúa Trời.

c. Nhờ sự trung gian của Ngài, nhân loại lại được giao hòa với Chúa Trời.

d. Nhờ quyền năng, biểu hiện trong cuộc sống lại ( Phục Sinh ) của Ngài, cũng là nhờ Chúa Thánh Thần, nhân loại được ơn thiêng hỗ trợ để thắng các mưu chước của bè lu Xa-tan, để tiến tới Quê thật là Nước Trời.

Ai theo Đức Giê-su Ki-tô thì được sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là đồng nhất với Đức Giê-su Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, trở nên con chí ái của Cha trên Trời.

19. Sự nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô còn tiếp tục trong nhân loại bằng cách nào ?

Vì Đức Giê-su Ki-tô là một Ngôi Trời giáng thế, nên sau khi hoàn thành sứ mệnh, Ngài về Trời. Nhưng sự nghiệp của Ngài cần phổ cập đến mọi người và trong mọi thế hệ, nên Ngài đã lập một hội đoàn để duy trì, phổ biến những chân lý về Đạo Trời cho kẻ hậu lai khỏi bị Xa-tan lừa dối mà thiệt phần vĩnh phúc chăng.

Hội đoàn mà Đức Giê-su Ki-tô để lại, đó là Hội Thánh, do các Tông Đồ kế tiếp nhau coi sóc. Vị Tông Đồ Trưởng gọi là Giáo Hoàng, là thủ lãnh thay mặt Chúa Giê-su lãnh đạo Hội Thánh. Thánh Phê-rô là vị Giáo Hoàng đầu tiên do chính Chúa Giê-su chỉ định; và vị Giáo Hoàng hiện tại, vừa mới về Trời, là Đức Gio-an Phao-lô đệ nhị, vị Giáo Hoàng thứ 265, coi sóc hướng dẫn Hội Thánh từ năm 1978 đến năm nay, 2005.

20. Muốn học hỏi gia nhập Đạo Trời ( Đạo Thiên Chúa ), ta có thể căn cứ vào đâu và ta đến với ai ?

Căn cứ vào sử sách, vào uy tín và công cuộc của Hội Thánh đã thực hiện từ gần hai ngàn năm nay ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bộ sách Thánh Kinh gồm phần Cựu Ước ( Đạo Trời do Ông Mô-sê và các Ngôn Sứ ghi chép trước Chúa Giáng Sinh ) và phần Tân Ước ( Đạo Trời do chính Chúa Giê-su và các môn đệ đầu tiên ghi chép ): Là bộ sách được phổ biến rộng rãi nhất từ xưa tới nay. Nước nào cũng có Thánh Kinh, có sách Giáo Lý in bằng tiếng nước ấy, nên việc học hỏi Đạo đuợc dễ dàng. Còn việc gia nhập Đạo cũng được các vị đại diện của Hội Thánh chỉ bảo cặn kẽ và tiếp đón nồng hậu.

Dù nhiều khi bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị bách hại, Hội Thánh vẫn phát triễn bất chấp mọi trở lực, khiến con số giáo hữu ngày nay đã tới hàng tỷ người.

Xưa kia chỉ biết kêu Trời,
Ngày nay lại biết Chúa Trời là Cha.
Trần gian chưa phải là Nhà,
Thiên Đàng vĩnh phúc mới là chính Quê.
Chữ rằng “Sinh ký tử quy”,
Nghĩa là: “Sống gởi thác về đời sau”.

21. Tại sao có người đang giữ đạo tự nhiên, ăn ngay ở lành, danh thơm tiếng tốt rồi, mà khi gặp Đạo Trời, lại tin theo ?

Vì Đạo tự nhiên thực ra cũng là Đạo Trời, nhưng ở giai đoạn sơ khai. Vả lại giữ Đạo có phải cốt cho được danh thơm tiếng tốt ở đời này đâu, nhưng là cốt làm đầy đủ đức hiếu thảo đối với Trời là Đấng sinh thành dưỡng dục và thưởng phạt người ta sau này. Vì thế khi gặp được Đạo Trời ở giai đoạn hoàn toàn trọn vẹn thì không thể không theo cho được.

Đức Giê-su đã ví Đạo Trời như viên ngọc quý giá đặc biệt mà một đời người chỉ gặp thấy có một lần, nên ai khôn ngoan thật đều dẹp bỏ hết các thứ khác kém cỏi để sắm cho bằng được thứ ngọc hảo hạng ấy. Những thứ ngọc khác đây có thể coi là luân lý tự nhiên mà các bậc hiền nhân quân tử như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Mặc Tử, Lão Tử ở Trung Hoa; như Socrate, Platon, Aristote ở Hy Lạp, như Đức Thích Ca ở Ấn Độ... đã theo luơng tâm thực hiện và phổ biến được phần nào trong lúc sinh thời, đó là những sứ giả tiền phong của Đạo Trời.

Bởi thế khi chính Đạo Trời được công khai xuất hiện trong lịch sử với sự giáng trần của Đức Giê-su Ki-tô, Con Trời hằng sống, thì vai trò của các sứ giả đương nhiên chấm dứt, và lòng người tất nhiên hướng về Đạo Trời là chỗ có Chân Lý hoàn toàn và Thiện Mỹ viên mãn vậy.

22. Đạo Trời đối với Đạo Ông Bà Tổ Tiên thế nào ?

Không có Trời thì làm gì có ông bà tổ tiên, vì chính tổ tiên cũng nhờ Trời sinh Trời dưỡng, cũng do Trời đặt vào cái vũ trụ này, cho qua một cầu sinh tử dài lắm là ba vạn sáu ngàn ngày, rồi cũng từ giã cõi trần mà về tới Trời rồi, “sinh ký tử quy” là thế.

Đằng khác, chính đức hiếu nghĩa với tổ tiên cũng là do Trời in vào lòng ta, nên hiếu nghĩa là theo hướng Trời sắp đặt, nhưng không nên dừng lại ở tổ tiên mà phải đi xa hơn nữa, đến tận Trời mới là hiếu nghĩa vẹn toàn, mới là chính đáng, vì Trời mới là gốc tổ mọi loài, còn ông bà tổ tiên chỉ là những móc nối trung gian mà thôi.

23. Có người nghĩ rằng theo Đạo Trời thì không cúng thực phẫm đồ dùng cho ông bà để ông bà đói khổ, vì thế mà có người tuy mến Đạo Trời, vẫn chưa dám trở lại. Nghĩ thế có đúng chăng ?

Lòng thương nhớ ông bà đã quá cố là việc tốt, nhưng nghĩ rằng vong linh ông bà còn cần cơm gạo bánh trái hay đồ dùng như khi còn sống thì không đúng, vì linh hồn thiêng liêng không cần vật chất như xác, nhưng cúng quảy thực phẩm như một nghi lễ để kính nhớ thì tốt. Việc hiếu nghĩa ta có thể làm là thành khẩn cầu xin với Trời mở lượng hải hà: nhất xá vạn xá, cho ông bà vào hưởng phúc với Trời sớm ngày nào hay ngày ấy, đó là thiết thực và cần cấp hơn hết.

Bên Công Giáo có việc cầu nguyện cho ông bà hằng ngày; mỗi năm lại dành hẳn một tháng để toàn thể thế giới hợp ý thỉnh nguyện cho nữa. Ngoài ra, các ngày kỷ niệm, tuần ba tuần bảy, tuần ba mươi, tuần trăm, giáp năm, hay giỗ đầu, giỗ năm của gia đình nào thì gia đình nấy hoặc cả Họ Đạo cùng đọc kinh cầu nguyện cho nữa. Cũng có thể tổ chức bữa ăn giỗ để phát huy tình cảm gia đình và gia tộc. Xét thế, theo Đạo Trời, con cháu rất là hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên.

24. Có người biết Đạo Trời là cần cho mình, nhưng vì sinh kế bận rộn, vì còn muốn sống dễ dãi, ngại chịu khó, nên chưa dám trở lại Đạo. Nghĩ thế có được chăng ?

Đạo lý tối đại, sao lại coi rẻ thế được. Sinh kế chỉ là phương tiện nhất thời, chớ có phải là cứu cánh của con người đâu. Ta nên biết, con người lúc nào cũng nhờ ơn Trời, sao ta lại quên vị Đại Ân Nhân của ta là Trời. Nếu ta muốn sống bừa bãi ngoài kỷ luật của lương tâm, tức là ta tự giảm giá và tự đặt mình vào tình trạng nguy cấp luôn luôn, vì ta không biết mình chết lúc nào – và chết rồi phải bị phán xét ngay lúc ấy, hối cũng không kịp.

Biết Trời thưởng phạt sau này,
Muốn sau được thưởng thì rày phải lo.
Gắng công Trời sẽ giúp cho,
Đạo lành gây dựng cơ đồ mai sau.
Mọi sự ở trên đời,
Một mai rồi cũng hết,
Việc lành dữ mà thôi,
Sẽ theo ta khi chết...

PHỤ LỤC:

Ý kiến của những người trở lại Đạo Thiên Chúa:

1. Ông Lục Trưng Tường, nhà ngoại giao Trung Hoa, từ nhỏ là môn sinh của sân Trình cửa Khổng và chỉ có biết đạo Ông Bà Tổ Tiên, sau đã gặp được Đạo Công Giáo như gặp được kho báu, đã trở lại và tiến xa trên đường Đạo, đã hiến thân làm Linh Mục. Ông nói: “Ơn Cứu Độ là chỗ tập trung tất cả các nẻo đường, là chỗ độc nhất mà đức hiếu của loài người được tiếp vào đức hiếu thảo siêu nhiên mà Đức Ki-tô đã dạy và đã cho chúng ta hưởng thụ để kết hợp tất cả nhân loại với Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên Trời”. ( x. The Ways of Confucius and of Christ )

2. Ông Ngô Gia Lễ, tri phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam ta, vì tiếp xúc với người Công Giáo, ông muốn tìm hiểu đạo lý, đã học sách Phúc Âm, đã nhận được tính cách siêu việt của Đức Ki-tô, Con Trời giáng thế, ông đã trở lại để được tâm giao với Trời qua Đức Ki-tô. Ông nói: “Tôi đã đọc Phúc Âm một cách thành kính. Tôi nhận thấy Đức Ki-tô không phải chỉ là một nhân vật khác thường, Ngài chính là con Thượng Đế đã đến để cứu đời. Tôi là một trong những kẻ được Ngài tỏ mình ra trong Phúc Âm”. ( x. Ông Tổ Đạo Công Giáo )

3. Ông Trịnh Sùng Ngộ, giáo sư triết học Đại Học Honolulu, nước Huê Kỳ, nguyên đại sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Vatican. Từ nhỏ đã sinh ra trong gia đình thấm nhuần tư tưởng Lão Giáo, Khổng Giáo và Phật Giáo. Sau khi ông trở lại ông đã giúp nhiều bạn hữu biết Đạo và đã đem hết tâm trí vào việc phiên dịch Thánh Kinh và Kinh Thi ra tiếng Trung Hoa. Ông nói: “Thiên Chúa Giáo là Đạo bởi Trời. Người ta lầm nếu cho đó là đạo của Âu Châu. Đạo dó không phải của Âu Châu hay của Á Châu, không cũ không mới. Tôi cảm thấy Đạo đó tiềm ẩn ở trong tôi một cách sâu đậm hơn cả Lão Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo là những đạo tôi đã hấp thụ khi sinh trưởng. Tôi biết ơn những đạo này vì đã làm đà đưa tôi đến với Đức Ki-tô. Sau nhiều năm lạc lõng, nay tôi được về với Đức Ki-tô để ở luôn với Ngài thật là vui sướng vô biên. Tôi đã nhảy vọt lên trên thời gian rồi. Từ nay sự sống động và bản thể của tôi đuợc đặt vào lãnh vực đời đời. Gia nhập Hội Thánh Chúa Ki-tô, tôi đã không thiệt mất gì, nhưng đã được hoàn toàn mãn nguyện” ( x. Par delà l’Est et l’Ouest ).

4. Ông Mashaba, một học giả Ấn Độ, sau 20 năm tìm tòi suy luận về Ấn Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo, Ba-la-môn Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo, Thần Đạo ( của người Nhựt Bổn ), Tin Lành Giáo, ông đã phân tích như sau: “Sở dĩ mỗi tôn giáo có một công dụng khác nhau là vì mỗi Giáo Tổ nhìn thấy một khía cạnh đau khổ của con người và tìm cách cứu giúp theo khía cạnh đó. Bởi thế, có thứ kêu gọi từ bi quảng đại, có thứ chủ trương diệt dục hy sinh, có thứ dùng hiếu thảo nhân nghĩa, có thứ giúp tu thân cứu đời, công bình bác ái v.v... nhưng không tôn giáo nào được đầy đủ như Thiên Chúa Giáo, vì Đạo này xây dựng cho con người một cuộc đời biết xả thân vì tình yêu thương”.

Tưởng nhớ ông bà tổ tiên

Chương trình đơn giản khi cầu nguyện với tổ tiên bất cứ dịp nào:

1. Thắp hương đèn trên bàn thờ

2. Làm dấu hình Thánh Giá

3. Nguyện Kinh Lạy Cha

4. Nguyện: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”.

5. Dâng lời nguyện với tổ tiên: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên ông bà nội ngoại..., hôm nay nhân ngày..., chúng con thắp nén hương bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn. Kính xin thương cầu nguyện cho chúng con được bình an mạnh khoẻ, được hòa thuận êm ấm và được mọi điều tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn...”

Nghi thức Lễ Cưới ở gia đình:

Ngày nay việc tổ chức đám cưới tại gia đình có thể diễn tiến theo nhiều dạng rất khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp thông thường nhất vẫn là: sau Lễ Hôn Phối, nhà gái tổ chức mừng vu quy, và sau khi đón dâu về nhà, nhà trai tổ chức chúc mừng Lễ Thành Hôn. Nghi Lễ Vu Quy dưới đây cử hành khi nhà trai đến nhà gái đón dâu; nghi Lễ Thành Hôn cử hành khi cô dâu được đưa về nhà chồng. Nếu diễn tiến theo các cách khác, xin tùy nghi ứng biến.

A. Nghi thức Lễ Vu Quy:

Vị chủ hôn bên nhà trai, chú rể và họ hàng từ nhà trai tới nhà gái, dừng lại ngoài cổng. Đại diện vào báo cho nhà gái ra đón mời vào. Rồi nghi thức như sau:
1. Nhà trai ngỏ lời, giới thiệu lễ vật.
2. Nhà gái đáp lời chấp thuận và xin đưa lễ vật đến bàn thờ gia tiên để làm lễ.
3. Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn. ( xem Lễ Gia Tiên tiếp sau )
4. Chú rể và cô dâu vào chào cha mẹ và họ hàng bên vợ.
5. Uống nước hoặc ăn tiệc.
6. Cuối giờ, chủ hôn nhà trai xin đón dâu, nhà gái đáp lời ưng thuận...

B. Nghi thức Lễ Thành Hôn:

Đoàn đưa dâu về nhà trai, nhà trai mời vào. Người mẹ chồng đón con dâu vào phòng nghỉ một lát rồi ra Lễ Gia Tiên. Nghi thức Lễ Gia Tiên như sau:
1. Nhà trai ngỏ lời chào mừng và mời tới trước bàn thờ gia tiên làm lễ.
2. Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn.( xem Lễ Gia Tiên tiếp sau )
3. Cô dâu chú rể chào cha mẹ chồng và họ hàng bên chồng.
4. Uống nước hoặc ăn tiệc.
5. Cuối cùng, vị chủ hôn nhà gái gởi gắm, nhà trai giã từ.

Lễ Gia Tiên và cầu nguyện tạ ơn:

1. Vị chủ hôn nói đại ý: “Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên, nhờ phúc đức ông bà, tổ tiên, gia đình chúng con (hoặc nêu tên gia đình anh chị X... ) sinh hạ được người con gái ( hoặc con trai ) là... và đã giáo dục cháu nên nguời. Nay cháu được Chúa thương cho đẹp duyên cùng cháu... Chúng con xin đưa hai cháu đến trước bàn thờ gia tiên. Xin phép cho hai cháu được dâng nén hương bày tỏ lòng kính nhớ tri ân và thắp lên ngọn nến bày tỏ quyết tâm làm rạng danh tổ tiên và vinh Danh Thiên Chúa. Xin các bậc tiền nhân bầu cử cho hai cháu được trăm năm hạnh phúc, sống đẹp lòng cha mẹ họ hàng hai bên, chu toàn các trách nhiệm hôn nhân và gia đình theo đúng ý của Chúa Trời”.

2. Cô dâu chú rể niệm hương: ( Một người đốt nhang sẵn và đưa cho cô dâu chú rể, cả hai cùng vái 4 vái ).

3. Cô dâu chú rể thắp nến.

4. Vị chủ hôn tiếp lời: “Giờ đây chúng ta hướng đến Thiên Chúa là nguồn gốc trên cùng của mọi gia tộc. Xin Ngài lấy tình Cha mà che chở gia đình mới... “Lạy Cha chúng con...”

5. Đọc Lời Chúa: ( Ga 2, 1 – 11 )

6. Cô dâu và chú rể cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã đến trong tiệc cưới Ca-na, ban ơn lành cho đôi bạn mới và gia đình hai bên. Nay qua Bí Tích Hôn Phối, Chúa cũng đã đến trong gia đình chúng con, chúng con xin dâng lời tạ ơn Chúa. Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ chúng con, mỗi người trong gia đình và họ hàng hai bên, và toàn thể ân nhân bạn hữu. Xưa Chúa đã biến đổi nước thành rượu, ngày nay xin Chúa biến đổi tình yêu thương bé nhỏ giới hạn của chúng con thành tình yêu thương bao la và nồng thắm của Chúa. Xin cho gia đình chúng con biết tôn vinh Chúa, đem lại hạnh phúc cho nhau và niềm an ủi cho mọi người. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen”.

7. Kết thúc: Hát Kinh Hòa Bình hoặc một bài khác thích hợp...

Lm. NGUYỄN QUANG DUY, DCCT,
Gx. Long Hưng, Gp. Vĩnh Long, năm 2000, theo “Sứ Vụ Loan báo Tin Mừng

Chúa chiên lành ...



Bài giảng thật hay của Linh Mục Lê Quang Uy DCCT Vietnam chủ nhật 5.7.09 .Mời bấm vào đây để nghe ...
Chúc các bạn an lành