Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn và chiếc mặt nạ của kẻ tật nguyền

1
Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản! Đi hai hàng kết cục chẳng tốt đẹp gì!
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên của Miền Nam được người Bắc tiếp xúc sớm nhất, với những bản tình ca lạ lẫm từ nhạc tới lời, khác hoàn toàn với những ca khúc cách mạng ngự trị hàng mấy thập niên, những bản tình ca ngọt ngào vẫn cứ phải thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí chiến đấu, vì thế, “nhạc Trịnh” trở thành lựa chọn hàng đầu với sở thích nghe nhạc của dân Bắc cực đoan trong cả yêu và ghét khi văn hóa miền Nam giải phóng tâm hồn miền Bắc.
Trong khi đó ở miền Nam, vốn có một nền âm nhạc nói riêng và nền văn nghệ nói chung vô cùng phóng khoáng, hiện đại, trữ tình, vừa nối tiếp mạch tân nhạc tiền chiến với những tài hoa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, vừa nở rộ tài năng từ mảnh đất châu thổ Cửu Long Giang, từ phố núi Đà Lạt… – với những tên tuổi rực rỡ như Phạm Duy, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Trường Sa… khiến cho người dân miền Nam có nhiều lựa chọn.
Và Trịnh Công Sơn được yêu, ghét qua từng giai đoạn lịch sử; gắn liền những nhạc phẩm của ông theo từng khúc đoạn thời gian và theo cả cảm quan chính trị được cho là mơ hồ (trước 1975), xu thời (sau 1975).
(…) Cuối đời, Trịnh Công Sơn có một nhạc phẩm mà không ca sĩ nào hát thấm hơn chính ông: “Tiến thoái lưỡng nan”. Đó có thể coi là bản tổng kết bằng âm nhạc cho cuộc đời của nhạc sĩ tài năng này. Đâu phải chỉ có lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn mới tiến thoái lưỡng nan. Dường như, cả cuộc đời ông là sự lưng chừng, lỡ cỡ, hai chân đặt ở hai con thuyền, không tiến không lui, không tà không chính, lập trường chính trị không rõ ràng, ngay cả âm nhạc cũng là sự bội phản, phủ định lẫn nhau.
2 Trong đời, ông mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Trước 1975, ông thân thiết với Đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan Không quân tài hoa có tâm hồn nghệ sĩ. Cũng chính vì đam mê âm nhạc, Lưu Kim Cương mới mời Trịnh Công Sơn- Khánh Ly vào hát ở câu lạc bộ sĩ quan Không quân, còn gọi là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, và Trịnh Công Sơn đã kết thân với Đại tá Lưu Kim Cương từ dạo đó. Khi Đại tá tử trận, Trịnh Công Sơn đã có bài hát nổi tiếng “Hát cho một người nằm xuống” để bày tỏ nỗi tiếc thương.
Mặt khác, ông lại thân thiết với Ngô Kha, một sinh viên theo Cách mạng và sau 1975 là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, những người khá có “uy thế” với văn nghệ miền Nam nói chung và xứ Huế nói riêng sau ngày thống nhất.
Trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn mâu thuẫn với chính ông.
Ở đề tài nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn thể hiện rất rõ sự mâu thuẫn này. Ông không theo Cộng Hòa, dù sống trong chính thể Cộng Hòa. Ông sợ cảnh đại bác đêm đêm dội về thành phố, ông thương những kiếp người lầm than điêu linh trong bom đạn nhưng không đặt ra câu hỏi: “Ai đêm đêm nã đại bác vào thành phố?” Đại bác hồi đó thường dội vào những khu gia binh, bởi lính VNCH hay mang theo gia đình, có vợ và con nhỏ, dội đại bác vào đó để gây bấn loạn tinh thần của binh sĩ.
… Ông viết những ca khúc phản chiến, và tự đặt mình đứng ra ngoài, đứng lên trên, cao hơn cuộc chiến, cho dù ông đau nỗi đau của thân phận người dân trong một đất nước đầy bom đạn. Phản chiến, nhưng không nhận thức một cách rõ ràng vì sao có chiến tranh và cần làm gì để kết thúc nó.
Nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Tôi cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. Bob Dylan không chỉ phản đối chiến tranh, ông còn viết những ca khúc đòi nhân quyền, chống kỳ thị chủng tộc, và hơn thế, tâm thế mà người Mỹ tham chiến trên chiến trường Việt Nam, Triều Tiên khi đó hoàn toàn khác cuộc chiến trong lòng đất nước Việt Nam.
… Có câu chuyện thế này. Thầy Bửu Ý trước khi vào Sài Gòn dự đám tang Trịnh Công Sơn có hỏi anh Đ.N.P.H., một guitarist có tiếng, dạy Học viện Âm nhạc Huế: “Thầy vào dự đám tang, em có gửi gì không?” thì anh Đ.N.P.H. đã trả lời, “Âm nhạc của anh ta đã giết chết một thế hệ thanh niên mới lớn như tụi em. Những ca khúc trong tuyển tập Da Vàng đã sinh ra một thế hệ thanh niên yếu đuối và hèn nhát”. Có thể, đó chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng không phải là không có lý.
3 Trịnh Công Sơn, cũng như hàng triệu người Việt lúc bấy giờ ước mơ, hi vọng về một đất nước thống nhất hòa bình; từ tâm lý đó, có thể hiểu được tại sao ông đọc lời kêu gọi Văn nghệ sĩ trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 (có người đã viết rằng: “vào 11g30 ngày 30/4: có một nhạc sĩ thiên tài qua đời và một nhạc sĩ ba phải ra đời”).
Rồi, hơn ai hết, Trịnh Công Sơn âm thầm đau xót trong nỗi cô đơn, thất vọng không dễ gì bày tỏ của một người luôn chọn tránh đạn bằng cách cúi mình giữa hai làn đạn, và cả hai phía đều nhìn ông bằng con mắt hoặc thù địch, hoặc nghi ngờ. Dường như Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chọn cho mình một tâm thế đứng thẳng, rạch ròi, mà thường nghiêng ngả theo thời cuộc, theo những nhân vật của thời cuộc và trở thành nạn nhân của chính mình.
Có những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng:
Tại sao một người từng viết “Ca dao Mẹ”, “Gia tài của Mẹ”, “Bà mẹ Ô Lý”… lại có thể viết “Huyền thoại Mẹ”? Hồi Tết Mậu Thân 1968, Trịnh Công Sơn phải trốn chui trốn nhủi, suýt chết dưới tay những người tấn công thành phố Huế, mà sau 1975, ông lại viết rất ngọt, mượt về một bà mẹ đứng dưới mưa “ngăn từng bước chân thù”.
Thù nào? Lẽ nào lại là những người bạn từng che chở, cưu mang khi ông trốn chui trốn nhủi? Lẽ nào ông không nhìn thấy những người mẹ, người vợ mỏi mòn chờ con chờ chồng đi cải tạo mãi mãi không về? Lẽ nào ông không nhớ những lời mình từng viết “Xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu…”? Xác người từ đâu ra, chắc Trịnh Công Sơn hiểu hơn ai hết.
Tại sao nhạc Trịnh viết về thân phận con người thấm thía như thế, nhưng khi đồng bào miền Nam trên các vùng kinh tế mới, thiếu ăn thiếu mặc, chết đói chết rét, phải chấp nhận đánh cược tính mạng làm mồi cho cá để vượt biên… thì ông lại không viết được một bài nào về những phận người mong manh đó? Ông vẫn thong dong hát: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”. Tệ hơn, ông còn hồn nhiên hát: “Em ra đi nơi này vẫn thế”.
4 Sau rất nhiều hứng khởi của “Hoa xuân ca”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Huyền thoại mẹ”, “20 mùa nắng lạ”…, có lẽ ông bắt đầu thấm mệt với trò chơi đu bám thời cuộc. Hoặc giả, khi đó xã hội bắt đầu có sự cởi mở hơn với những đề tài sáng tác, thì Trịnh Công Sơn bộc lộ sự chán chường không thể che đậy.
Hàng loạt ca khúc sau này chính là nỗi lòng ông. Có lẽ, đó là những bản nhạc thật lòng nhất. Hãy nghe “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Đâu phải chỉ tuyệt vọng vì người con gái ông yêu bỏ đi lấy chồng. Nó còn là sự an ủi chính mình khi tuyệt vọng về một con đường ước mơ, một xã hội đẹp đẽ trong trí tưởng nay đã thành tuyệt lộ.
Hãy nghe “Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm”, đâu chỉ là người mẹ thương yêu ông hết lòng, đó còn là Mẹ Việt Nam đã bỏ đi, bỏ những đứa con lai căng và bội tình.
“Tiến thoái lưỡng nan” có thể nói là bài hát cuối cùng mà Trịnh Công Sơn trút tất cả nỗi niềm. Một sự bơ vơ, bế tắc, biết sai lầm nhưng không thể còn thời gian để kịp sửa chữa. Dù đi về cuối ngõ nơi quê nhà hay đi về nơi cuối trời vĩnh hằng, thì sống hay chết, cũng không thể lựa chọn lại. Nên mới bơ vơ, hoang mang, không đi đâu nữa, chỉ ngồi để tôi tìm lại tôi. Có thể nào tìm lại? Có tìm được không?
Fb Matthew Chương

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Niềm vui hôm nay

Niềm vui hôm nay
"Càng lớn tuổi dần, con người ta càng tiến dần về sự đơn giản và càng đơn giản thì càng hạnh phúc.
Sự đơn giản đó là khi người ta không còn thích đến những nhà hàng sang trọng, lộng lẫy để “check-in” một cái cho bằng bạn bằng bè, họ thích ở nhà tự nấu nướng.
Đó là khi người ta không còn thích đến rạp xem phim để xếp hàng coi cho bằng được một bộ phim đang hot, dư luận đang ồn ào, họ nằm nhà, chọn một bộ phim sau khi xem kỹ nội dung, họ nghiền ngẫm trọn vẹn bộ phim bằng cảm xúc chân thật nhất.
Đó là khi người ta không còn thích đến những nơi đông đúc để thấy mình lạc lõng, không thích nhiều mình mà tẻ nhạt, họ thích trở về nhà, một mình mà không cô độc, một mình mà yên vui. Với họ, sự đơn giản là sự thanh thản.
Đó là khi người ta không còn quá bận tâm đến xu hướng, đến sự nổi bật. Thay vì chọn một phong cách lòe loẹt, rườm rà, họ yêu thích sự giản tiện. Không cần cầu kỳ với vòng vèo, với những bộ áo quần hàng hiệu, họ chọn sự tối giản bằng mái tóc xõa, bằng bộ cánh nhã nhặn hợp vóc dáng, với khuôn mặt tươi tắn nhẹ nhàng, với mùi hương tự nhiên, sự quyến rũ mà họ có toát ra từ thần thái và trí tuệ.
Đó là khi người ta thay vì nói oang oang về bản thân trong đám đông, cố chấp gạt bỏ những cái tôi khác, họ chọn cách lắng nghe, quan sát và ngồi lặng lẽ một mình. Họ dành nhiều nụ cười hơn sự cáu kỉnh, bực tức, họ chọn tha thứ hơn thù hận và cảm thông hơn hờn trách. Họ vui vì họ đã chạm tới sự đơn giản không phải vì sự kỳ vọng cho bản thân mình trở thành một phần đặc biệt của cuộc sống. Trong ánh sáng rực rỡ ngoài kia vẫn luôn có người chọn nép mình khuất sau bóng tối. Vì sự thật thì không sợ ánh sáng không thể chạm đến, vì giản đơn thì trong bóng tối vẫn có thể tỏa sáng để chiếu rọi hạnh phúc của chính mình.
Có bao nhiêu người đã chọn lựa một cuộc sống lặng lẽ, thu mình, không ồn ào, đủ chênh vênh nhưng không cô độc? Có rất nhiều. Đó là khi con người nhận ra, họ đã đủ trưởng thành để đứng một mình, bình lặng và an nhiên.

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Ba nhà Sư

TÔN GIÁO Cuộc đời chìm nổi của ba nhà sư: Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang và Thích Quảng Độ

Xưa có ba nhà sư.
ba nhà sư
Khi những người cộng sản đến, họ rẽ ra ba hướng khác nhau. Nhất Hạnh nổi tiếng thế giới với tăng đoàn Làng Mai. Trí Quang chịu cảnh tù đày và không bao giờ nói về chính trị nữa. Quảng Độ tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền, trở thành nhà sư bị giam lỏng lâu nhất ở Việt Nam.
1997
Đó là vào một ngày tháng 10 năm 1997, trong một rạp hát ở thành phố Berkeley nước Mỹ, khoảng 3.500 người đã mua vé 20 đô-la mỗi người ngồi im lặng để đợi gặp một nhà sư mà họ kính trọng nhất.