Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

Cha Lê Phan, một người Đức có trái tim Việt Nam


Cha Lê Phan, một người Đức có trái tim Việt Nam


(GPVO) - Trong chuyến đi sang Berlin, tôi được may mắn gặp Cha Lê Phan, một người Đức, dáng cao cao, tóc xoăn xoăn, nhưng lại nói tiếng Việt rất giỏi. Một điều làm cho ai cũng phải ngạc nhiên khi gặp ngài đó là tính hài hước, sự thông thạo và lưu loát tiếng Việt của ngài. Ngài có thể nói tiếng Việt theo các giọng Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt là ngài có thể chơi chữ và nói được cả những từ lóng tiếng địa phương của miền Nghệ Tĩnh Bình. Ở gần ngài, tôi mới khám phá ra ngài là một người Đức nhưng có trái tim rất Việt Nam.

Cha Lê Phan Stefan Taeubner
Linh mục Lê Đức Phan, tên thật là Stefan Taeubner, sinh năm 1961, tại Hamburg, trong một gia đình chỉ có hai người con, ngài là con trai đầu và duy nhất của gia đình. Ngài vào Dòng Tên và chịu chức linh mục năm 1998.

Khi vào dòng, ngài có một ước mơ đi phục vụ người nghèo nhất, những người cần sự giúp đỡ người khác nhất. Ước mơ đó đã thúc đẩy ngài đi sang Malaysia năm 1980 để phục vụ những người nghèo trong đó có rất nhiều người Việt Nam vượt biên tị nạn ở đó. Không biết cơ duyên thế nào, cha Phan rất yêu mến người Việt và rất thích tiếng Việt, nên sau đó ngài xin phép Cha Bề trên sang Sài Gòn để học tiếng Việt.

Khi trở về Berlin, Cha Phan thấy rất nhiều bạn trẻ Việt nam chạy sang đây. Họ ai những ai? Họ không phải là những “Việt kiều” sống ở Đức lâu ngày và nay đã an cư lạc nghiệp rồi. Nhưng họ là những người Việt rất trẻ, nhiều người là người Công giáo, thuộc giáo phận Vinh. Khi ở Việt Nam, họ không có việc làm nên tìm cách chạy chọt tốn rất nhiều tiền qua các dịch vụ (một kiểu bàn giấy lấy tiền của người nghèo mà không cần đổ mồ hôi) để được đi xuất khẩu lao động sang Nga, Tiệp Khắc, hoặc Balan. Họ nghĩ rằng sang được Châu Âu sẽ là “thiên đàng” và sẽ được “đổi đời”. Nhưng khi sang đây, thì thực tế không như họ nghĩ và mơ ước, đa số là rơi vào tình trạng “đem con bỏ chợ”, không có việc làm, không đủ sống, nên họ phải chạy sang các nước giàu có hơn, như Đức, Pháp hoặc Anh… Họ kể lại những kinh nghiệm rùng rợn khi phải vượt qua biên giới các nước, vì không có giấy tờ nên họ phải trốn dưới gầm xe, nằm trong cóp xe ô tô, hoặc trong thùng xốp để khỏi bị bắt, có nhiều khi để tránh cảnh sát kiểm tra họ phải chạy trong rừng hàng chục cây số, phải băng rừng lội suối trong nhưng đêm tuyết lạnh để thoát mạng và không bị bắt vào tù… Trong số những người chạy trốn này, có nhiều bạn trẻ phải ngồi tù ở Nga, ở Ukraina vv… cũng có người đã chết khi vượt biên giới.

Sang Đức trong tình trạng không giấy tờ, không có nghề nghiệp, đa số kiếm sống chủ yếu bằng nghề bán thuốc lá lậu. Cuộc sống của nhiều bạn trẻ rày đây mai đó, khi ở rừng khi ở trại, sự bất ổn và bất an luôn ở kề bên. Vì nếu cảnh sát bắt được thì họ phải vào tù và bị trục xuất về Việt Nam. Chính sự bất ổn này cũng nảy sinh nhiều vấn đề khác liên hệ đời sống luân lý và đạo đức. Có những những người phải làm nghề bất chính để có tiền để trả nợ, có nhiều cô gái đã có con mà Cha Phan gọi là “bến không chồng”.

Trước cảnh bơ vơ và bất trắc của nhiều bạn trẻ sống tha hương không nơi nương tựa, Cha Phan đã chọn họ là đối tượng để phục vụ. Đối với Cha, họ là người cần đến sự giúp đỡ người khác nhất, cần đến Chúa nhiều nhất. Dù đã có bài sai đi phục vụ một miền khác theo sự sắp xếp của nhà Dòng và Cha sẽ được trả lương đoàng hoàng. Nhưng Cha đã tình nguyện và xin phép cha bề trên Dòng Tên ở lại Berlin để được phục vụ những người Việt Nam này, cha phục vụ một cách vô vị lợi và vô điều kiện, không lương bổng gì.

Cha tự coi mình là “linh mục bụi đời”, nghĩa là hằng ngày cha xuống phố, đi vào các hẻm phố để tìm gặp những người đang cần đến sự giúp đỡ của Cha. Cha đến với hết mọi người đang gặp đau khổ và khó khăn, bất luận lương hay giáo. Cha vào thăm họ trong các trại giam, trong bệnh viện để an ủi họ, nâng đỡ và giúp họ vượt qua những khó khăn. Cha mời gọi họ gi danh vào trong nhóm “Hy Vọng”, để làm nên một nhóm sinh hoạt với nhau và chia sẽ nâng đỡ nhau. Hằng tuần cha dâng một thánh lễ Việt nam cho họ và mời họ đến tham dự. Chính tình đồng hương và bí tích Thánh Thể trở thành nguồn nâng đỡ, sự trợ lực và niềm vui cho họ qua các buổi gặp gỡ ở đất khách quê người. Một số bạn trẻ đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Cha nên đã xin gia nhập đạo và chính Cha Phan là người rửa tội cho họ. Đối với họ, Cha Phan là người bạn, người anh em và là người Cha của mình ở nơi tha phương này.

Nhờ sự giúp đỡ của một số ân nhân người Đức và người Việt, Cha Phan đã thuê được một văn phòng làm nơi gặp gỡ và giúp đỡ những người Việt này. Văn phòng rộng cửa đón nhận bất kỳ ai cần đến sự giúp đỡ của Cha. Mỗi tuần có một thánh lễ vào ngày thứ năm bằng tiếng Việt do cha chủ tế. Trong thánh lễ, Cha mời gọi mọi người tới dự lễ và chia sẻ những kinh nghiệm vui buồn của mình với anh chị em.

Cha Phan tâm sự rằng: “Tôi rất thích ý tưởng của Thánh Ignatio thành Cesare, khi ngài nói về Chúa Giêsu Thánh Thể cũng là Chúa Kitô ở trong người nghèo khổ ngoài đường phố. Phải phục vụ cả hai, Chúa ở trên bàn thờ và Chúa ở trong người nghèo. Không có sự tách rời và phân chia. Chúng ta thường tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể trên bàn thờ rất sốt sắng, nhưng lại thường hay lãng quên Chúa Giêsu thánh thể nơi những người xung quanh, nhất là nơi những người nghèo”. Quả thế, người nghèo là hiện thân của Chúa Kitô. Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa Kitô. Đó là xác tín và là ý nghĩa thúc đẩy Cha đến với người nghèo, người gặp cảnh khó khăn, để phục vụ họ. Xác tín này làm ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mathêu: “Khi ta đói các người cho ăn, khi ta khát các người cho uống, ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, ta bị tù đày, các người đã viếng thăm” (Mt 25,45).

Tạ ơn Chúa đã cho đời những con người có lòng nhân ái. Tạ ơn Chúa đã cho Giáo Hội những vị mục tử quảng đại “hy sinh vì đoàn chiên” qua việc phục vụ những người nghèo như Cha Lê Phan. Với sự hiện diện và phục vụ của Cha, nhiều tấm lòng tan nát đã tìm lại được niềm vui và nụ cười của cuộc sống, nhiều bạn trẻ không cảm thấy bị cô đơn lạc lõng giữa một thế giới xa lạ và tìm thấy được mái ấm tình thương. Bao tâm hồn sống không hy vọng, mất niềm tin, lại cảm nhận được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và điều đó làm cho họ xác tín rằng: Dù đi đâu, dù làm gì, Thiên Chúa không bỏ rơi họ và những ai tin vào Thiên Chúa thì không bao giờ cô đơn trong cuộc đời này!

Berlin 10.07.2009
Lm. Phêrô Thiên Lộc

Không có nhận xét nào: