Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Tu trụi ... là gì ? ....

Tu Trụi - Thầy Hằng Trường
- Hôm nay mình ôn lại bài chút xiú, thầy xin hỏi mỗi tuần mình lên chùa thắp nhang lễ Phật thuộc vào loại tu nào?
- Thưa thầy đó là tu lễ.
- Mình làm theo một lễ nghi, một khuôn phép, cho nên gọi là tu lễ. Bây giờ xin hỏi, hằng ngày mình làm cho tâm của mình càng lúc càng thanh tịnh hơn, nhẹ nhàng hơn, tình thương của mình phát triển ra hơn, mình đi giúp người này, người kia, mình đọc sách cho mở mang tâm trí thì những hành động đó trong đời mình có đáng gọi là tu hay không? Và nếu nói nó là cái tu thì nó thuộc về tu gì bây giờ?
- Thưa thầy có, thuộc về tu hành.
- Khi mình phát triển những tiềm năng trong người, thí dụ như mình đọc sách để hiểu biết thêm và làm cho tâm linh mở mang, làm cho tình thương phát triển, thì gọi là tu hành. Nhiều người không nghĩ ra chuyện đó mà nghĩ rằng tu hành phải là mặc áo cà sa hay lên chùa tu, té ra không phải. Như vậy thầy hỏi nhất định mình tu là phải mặc áo cà sa hay mặc áo tràng… mình làm cái bề ngoài khuôn phép như vậy thì loại tu như vậy trong quan niệm tu gọi là tu gì?
- Thưa thầy tu lễ.
- Tu lễ, bởi vì mình cần có cái khuôn phép bên ngoài, lễ nghi, thì gọi là tu lễ. Bây giờ thầy hỏi thí dụ hằng ngày sáng ra mình ngồi thiền, xếp bằng lại, ra gốc cây ngồi để mà điều hoà hơi thở, mình cũng không cần có bàn Phật, chỉ muốn làm sao hơi thở chậm lại, óc và tâm trí càng ngày càng tinh tế, tinh vi hơn thì đó gọi là tu gì?
- Thưa thầy tu luyện.
- Tu luyện là luyện cái chi?
- Thưa thầy luyện cho cái não của mình sáng suốt, khí lưu thông, nội lực thâm hậu.
- Đúng ! lý do mình ngồi thiền là bởi vì thân và tâm đi đôi với nhau, muốn cho tâm phát triển, tâm thức cao thì thân phải ở trong dạng gọi là thiền, cái dạng làm cho khí huyết điều hoà, nội lực thông suốt, não mở mang và tim mình nhẹ lại. Đó là tu luyện chứ không phải tu hành, hay tu lễ. Hồi xưa các vị Tiên ở trên núi tu lâu năm như vậy thì gọi là tu luyện.
Như vậy loại tu nào cũng có ích lợi nhưng mình không ngờ đều là một phần của Phật giáo cả, thí dụ mình nghe có chùa nào nói về đạo pháp hay quá và mình thấy chùa đó trang nghiêm quá, mình điện thoại người này, người kia rủ họ đi nghe… thì cái đó có gọi là tu hay không ?
- Thưa thầy phải, cái đó mình gọi là tu hú.
- Hú, là mình kêu gọi người ta đến để cùng tu với mình, rõ ràng cái tu hú nó cũng hay vô cùng. Tu hú có nhiều loại, nhiều hạng. Nhiều khi các bác hú mà người ta không nghe, nghĩa là mình muốn người ta tu mà người ta không chịu tu, mình muốn người ta tới chùa mà người ta không tới, mình muốn người ta ngồi thiền mà người ta không ngồi… Là bởi vì người đó cứng đầu hay là mình nói không hay ?
- Thưa tại vì người ta chưa có duyên hoặc mình nói không có duyên lắm, chưa chiêu mộ được.
- Cái hú cũng cần có cái duyên. Đó là một triết lý rất cao, nhiều khi mình không hiểu được. Có những vị đức Phật gọi là La Hán, hay người ta gọi là Tự Liễu Hán, tự liễu là tự mình cắt đoạn đi, hán là người đàn ông hay người tu hành, hảo hán hay là A La Hán. Tự Liễu là cắt đoạn với trần gian và với người khác cho nên họ không hú người nào cả. Đức Phật kể chuyện một vị La Hán đi xuống để xin thức ăn, đi cả ngày như vậy mà không có một người nào cúng dường cho cả, là bởi vì từ trước đến nay ông không tạo một cái duyên nào cho người khác cả. Tu hú tức là tạo duyên, làm những cái duyên để cho chúng sanh có thể tu với mình. Đạo bồ tát là đạo mà mình nên tạo cái duyên lành, cho nên hú mà hú giỏi thì mình tạo cái duyên lành nhiều cho người khác tu, nhiều khi mình không tạo cơ duyên thì người ta tu không được, mà kết quả mình tu cũng không xong. Trong kinh Phật có chuyện một vị rất hay, vị này chỉ làm một chuyện duy nhất thôi là đi xây cầu. 2000 năm trước chuyện xây cầu khó lắm, một chỗ bùn lầy lấy đá lấp lên để đi qua lại được thì gọi là cái cầu, chứ không phải như cầu Golden Gate Bridge hay là cầu gì lớn. Ông chỉ làm một chuyện như vậy thôi, và khi ông làm như vậy thì ông hú người ta tới, hú người ta bưng đá tới làm, ông phát cái nguyện cũng hay là đời này, kiếp này hay kiếp khác là lúc nào ông cũng đi hú người này người khác làm phương tiện cho người ta đi. Khi đức Phật nhìn vào nhân duyên đó thì ngài nói đây là một vị đại bồ tát, hạnh này là bồ tát là bởi vì mình tạo duyên cho người khác được hạnh phúc, chứ không phải tu, làm cho người khác có cơ hội hạnh phúc.
Trong đời, nhiều khi mình ở trong quan niệm bị cột chặt, người không phải là Phật giáo thì mình cho là ngoại đạo, người không lên chùa thì mình gọi là không tu hành, nhưng nhiều khi tu hú là cái mà rất nhiều người làm. Có nhiều người như là bà dạy anh văn cho thầy hồi xưa, bà này tu hú hay lắm, bà bị cụt một chân mà mua một cái xe và chở những người ở trong vùng đó hằng tuần đi tới nhà thờ, bà cụt chân không thể vào lạy được nhưng mà bà chở người ta tới nhà thờ. Và bây giờ mình lại thấy có những người hết lòng hết dạ, họ lên chùa chỉ để nấu cho người khác ăn thôi, hoặc là làm những chuyện từ cắm bông, trang hoàng,… mà không hề nghĩ tới chuyện là họ phải tu, họ chỉ làm cho người ta vui. Nhiều khi cha mẹ hú con cái, rủ con cái làm chuyện tốt, rủ chứ không phải là bắt buộc. Khi mình làm gương cho người khác làm thì gọi là hú thượng thặng, mình không làm mà hú người ta làm là hú sơ cấp. Nhiều khi mình không hú mà mình hù người ta, để bắt người ta tu. Cái đó cũng được, hù này không hay lắm, không phải là bồ tát đạo vì làm cho người ta sợ hãi. Hú là mình phải làm cho người ta vui, người ta mở tâm. Hú là mình phải dễ thương thì hú mới được, ác quá mình hú không ai nghe cả. Đó là lý do tại sao đạo bồ tát nằm ở chỗ mình phải nghĩ tới người khác.
Do đó lòng mình phải biết nghĩ tới người khác, miệng mình phải nói lời duyên dáng một chút cho người ta nghe, và cuối cùng là hành động của mình phải đúng như lời mình nói, chứ không phải là khẩu Phật tâm xà : mình nói một đường làm một nẻo thì cái hú đó nguy hiểm lắm, mình hú người ta vô trong động rắn luôn thì nguy hiểm vô cùng. Cho nên phải hú cho hay, nói thì buồn cười nhưng mà giải thích rộng ra thì người tu hú là người có lòng vị tha, nghĩ tới người khác và kêu gọi. Trong hội cũng có nhiều người rất là hay, họ không phải là người giàu có nhưng họ thường đi khuyến khích những người khác làm việc thiện, đi bố thí, họ là những người rất giỏi về ngành hú này, họ là cái nhân, cái mầm để mà thành bồ tát sau này.
Bây giờ đến loại tu thứ năm là tu gì ? Sau khi mình đã tu lễ, tu hành, tu luyện, tu hú rồi thì còn một loại tu cứu cánh nhất mà mình đặt cho cái tên gọi là tu trụi. Chữ trụi này có lẽ là người Huế dùng nhiều nhất, không biết vì sao mà người Huế dùng cái chữ trụi này, khi bác đánh bài thua trụi lũi, trần trụi,… có lẽ từ chữ đó mà ra. Tại sao mà gọi là tu trụi, có phải tu mà mình ở trần truồng không ? Không, không phải vậy, trụi bắt nguồn từ hạnh nguyện của Phật. Đức Phật nói rằng có một vị gọi là Địa Tạng bồ tát, tinh thần của ngài hay lắm, ngài nói địa ngục mà chưa trở nên trống rỗng thì tôi sẽ chưa thành Phật, những người ở dưới địa ngục hoàn toàn được giải thoát rồi thì tôi mới thành Phật. Đó là ý nghĩa của chữ trụi, làm sao cho đối tượng, chúng sanh, được giải thoát hết trơn. Như vậy là nói đến sự cam kết, xả thân cho một cái hạnh. Nó cao vô cùng, thí dụ như mình chỉ muốn tu 1, 2 hoặc 3 năm trong đời này thôi thì không phải tu trụi bởi vì ý nguyện đó còn nhỏ quá. Đức Phổ Hiền bồ tát nói còn hay nữa, hư không thế giới mà tan biến hết, vũ trụ tan biến, chúng sanh giải thoát hết rồi, phiền não của tất cả chúng sanh trong vũ trụ này, không đếm được, hằng hà sa số, cũng hoàn toàn được giải thoát rồi, phiền não biến mất, nghiệp của chúng sanh cũng biến mất thì hạnh nguyện của đức Phổ Hiền ngài mới gọi là viên mãn. Thế giới vũ trụ làm sao tan biến hết được, bây giờ người ta nói vũ trụ bị cuốn vào trong cái black hole, nó biến mất, tất cả vật chất vô trong đó đều biến mất, dark material, chất đen. Thì ra vũ trụ cũng tan biến chứ không phải chơi ! Mình nghĩ lại thì cũng khó, thế giới, hư không, vũ trụ này biến mất thì sẽ tạo ra cái mới, mất đi rồi tạo ra như cái phiền não của mình. Vừa mới ngồi được 2 phút im lặng là mình thấy vui lắm, mình không động đậy gì cả, đến phút thứ 3 mình bắt đầu nghĩ tức quá hôm kia mình quên đòi tiền ông này, ông ăn mà quên đòi tiền ông, tự nhiên phiền não nổi lên liền. Phiền não này vừa hết thì phiền não khác trỗi lên liền, vừa đánh bài thua mình nói thôi không đi nữa là mình ngừng lại cái phiền não, nhưng mà tuần sau mình cũng mua vé máy bay đi, vì sao vậy ? Phiền não cứ nổi lên, chìm xuống, nó không hết không trụi được, nhưng hết tiền là chuyện có thiệt , trụi không hết cho nên ý nguyện đó có hoài.
Cái hay là nếu chưa trụi thì mình cứ tiếp tục tu hoài. Nghe ra chắc là để cho mấy người như đức Phật tu chứ không phải cho mình tu, đây là cái hạnh cao nhất là hạnh phát bồ đề tâm. Thế nào là phát bồ đề tâm ? Là phát cái tâm lượng mà cứ tiếp tục tu mãi, tu không ngừng, tiếp tục tiến hoá, tiến hoá không ngừng. Đức Phật nói chỉ khi mình phát tâm bồ đề như vậy thì mới thật sự thành Phật nổi. Vì khi mình phát tâm không ngừng tu hành hoài thì mình sẽ không ngừng độ chúng sanh, tức là mình không ngừng hú, độ người khác, mình không ngừng trụi, bao nhiêu phiền não của mình mất hết, muốn người ta trụi thì phiền não mình trụi trước, cho nên cái tu trụi là cái tu rốt ráo nhất, là quan niệm hay nhất, là mình không ngừng tiến hoá, không ngừng tu hành, tu luyện, tu lễ, tu hú. Nhiều người đã ở trong con đường tu trụi rồi, đã làm nhưng không phát tâm tu không ngừng, tu mà nói bây giờ con chờ tới 65 tuổi rồi con tu . Nhưng mà tới 65 tuổi mình tu tức là mình nghĩ rằng mình tu từ lúc 65 tuổi tới lúc mình chết là mình ngừng lại, có một giai đoạn, có một thời hạn thì không gọi là tu trụi. Trụi là bây giờ mình phát tâm cứ tu hoài, đừng nghĩ là mình chết là thôi, đừng cho cái bắt đầu là 65 tuổi mới tu, và cũng đừng cho cái kết thúc là khi chết là thôi. Không cần bắt đầu, không cần kết thúc, cứ việc tu, tu cho đến lúc nào mà tất cả phiền não, giả huyễn đều tan biến đi rồi, thì mình vẫn tiếp tục thôi.
Nhìn lại những lối tu này, nhiều khi mình đã có làm sơ sơ, ít ít rồi. Và không phải là mình không có tu, nhưng mà mình chưa bỏ nó trong một phương thức gọi là một cái khuôn khổ, một cái quy củ để cho mình phát triển đều đặn, mình chưa đụng vào cái tâm lượng của chuyện tu hành như tu trụi. Mình chưa phát nguyện hay phát tâm nhưng đã có làm rồi và những chuyện đó xảy ra hằng ngày. Tức là hằng ngày nhiều khi có chuyện tốt mình kêu người khác là tu hú rồi, nhiều khi mình muốn có sự im lặng, không muốn quấy nhiễu gì cả, mình ra ngoài vườn ngồi nhắm mắt lại, đó là phát triển tâm linh, nhiều khi mình thấy có người buồn bực quá thì mình lắng nghe cho người ta vơi đi, đó là phát triển lòng từ bi rồi. Cho nên mình không cần phải có một cái tu gì riêng biệt, mình nhìn lại những phạm trù của cuộc sống nằm trong 5 loại tu đó và mình phát triển nó thêm, phát triển thêm nữa. Chú ý như vậy rồi mình thấy cuộc đời mình là một cơ hội quá tốt, mình sống được là một cơ hội quá tốt để mình tiến hoá, thì mình không nên dùng vào cái chuyện uổng đi, thay vì trụi thì mình có thêm, có thêm… Có một bà cũng vui lắm, bà nói thưa thầy bây giờ con đã gần 75 tuổi rồi, thầy biết phiền não nhất của con là gì không ? Mình nghĩ phiền não lớn nhất của bà là mấy đứa con cháu làm phiền bà.
- Dạ thưa không, phiền não lớn nhất của con là ông chồng đồ đạc nhiều quá, đi vô nhà mà con không có chỗ đi nữa. Bỏ thì không được vì ông không cho vất, nếu vất thì ông khóc, tức, la chửi… Không vất thì con không có chỗ để đi vô trong nhà.
Các bác biết, người Mỹ họ có cái tâm muốn tích trữ vì nhiều khi con cái nó không kêu nói chuyện. Một bà người Mỹ hỏi thầy làm sao cho con có thể thoát khỏi cái đám rác trong nhà, nó nhiều quá rồi, con không biết làm sao mà giải quyết. Các bác giúp thầy giải quyết vì thầy cũng không biết làm sao được. Rõ ràng mình không biết làm sao vì cái duyên mình hú người ta mà, người ta không nghe không được. Người vợ hú người chồng mà ông chồng không nghe đâu có được ! Thầy ngồi gãi đầu, gãi tai, không biết làm sao mà trả lời. Cuối cùng thầy mới nói với bà là bây giờ thay vì bà nhìn vào đồ đạc mà bà giận thì bà hãy nhìn niềm vui của chồng bà, vì ông này có niềm vui mỗi khi có thêm một món đồ. Bác nói với chồng bác là tôi vui vì thấy anh có được cái niềm vui. Bà nghe như vậy rồi bà cũng mừng lắm, và khi thầy nói như vậy là thầy khuyên bà tu cái gì đây ? Tu hành, tu hành trước rồi mới tu trụi sau. Mình phát triển tình thương của mình, mình đừng nhìn chỗ xấu làm chi, mình nhìn cái niềm vui của ông trước rồi từ từ mình mới cảm hoá và mới hú ông ta được, và mình hú ông ta được rồi thì từ từ ông mới xả ra. Bước đầu tiên là mình phải biết cách nhìn và thay đổi cách nhìn, thay đổi cách nhìn là loại quan trọng nhất trong 5 loại tu này. Nếu cái nhìn mình không thay đổi thì mình không tu lễ được, không hành được, không hú được, cũng không trụi được. Cho nên đầu tiên cả là thay đổi cái nhìn và thay cho đúng chỗ.
Nguồn Nguyễn Minh Châu


Xin bạn bấm vào đây để biết tiểu sử thầy Hằng Trường

Không có nhận xét nào: