Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

KHI ĐỜN BÀ NẮM QUYỀN ...nqv

Chuyện phiếm của Gã Siêu :
KHI ĐỜN BÀ NẮM QUYỀN

Vừa mới nhận được một chuyện vui nho nhỏ, viết về đờn bà con gái, gã xin kể lại đây để bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm và nhận định xem thực hư như thế nào.

Số là ông vua xe hơi, Henry Ford, sau khi chết được đưa lên thiên đàng. Tại cổng thiên đàng đã có thánh Phêrô đứng chờ sẵn để đón chào. Vừa gặp ông ta, thánh Phêrô đã mỉm cười và cho biết :
- Hồi còn sống, ngươi đã làm nhiều điều lợi ích cho xã hội, chẳng hạn như đã sáng chế ra phương pháp dây chuyền, làm cho kỹ nghệ xe hơi thay đổi cả và thế giới. Với thành quả này, ngươi sẽ được một ân huệ, đó là có thể chuyện trò với bất cứ ai ở trên thiên đàng.

Suy nghĩ một lát, ông ta xin được gặp Thượng Đế. Và thế là thánh Phêrô bèn lập tức dẫn ông ta ra mắt Thượng Đế. Vừa gặp Ngài, ông ta liền hỏi ngay :
- Thưa Ngài, lúc chế tạo ra đờn bà con gái, Ngài đã suy nghĩ như thế nào ?
Thượng Đế nghe xong, bèn vặn lại :
- Ngươi nói như vậy là có ý nghĩa gì ?
Ông ta bèn trả lời :
- Sản phẩm của Ngài còn có quá nhiều sơ sót. Phía trước thì bị phồng lên, còn phía sau thì lại bị nhô ra. Máy thường kêu to mỗi khi chạy nhanh. Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao. Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới. Cứ đi hai mươi tám ngày, thì lại bị chảy nhớt và không làm việc được. Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau. Đèn trước hơi bị nhỏ. Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp.
Thượng Đế nghe qua liền bảo :
- Ngươi hãy đợi ta một chốc để ta xem lại bản thiết kế.
Thượng Đế bèn cho triệu tập toàn bộ các kỹ sư thiết kế và cơ khí trên thiên đàng lại để xem xét quá trình thi công. Sau một thời gian…“ngâm kíu”, họ trình lên Thượng Đế một bản báo cáo.
Xem xong bản báo cáo này, Thượng Đế bèn phán rằng :
- Mọi điều ngươi vừa nói, đều hoàn toàn đúng. Bằng sáng chế của ta thật có nhiều sai sót. Thế nhưng, nếu tính về phương diện kinh tế, thì hiệu quả lại rất cao : Có gần 98% đờn ông con giai trên thế gian xài sản phẩm do Ta chế tạo, trong khi đó chưa đầy 10% đờn ông con giai xài sản phẩm của ngươi.

Từ câu chuyện trên, gã nghiệm ra rằng thì là : nhân vô thập toàn. Ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình, chẳng riêng gì đờn bà con gái, mà ngay cả đờn ông con giai cũng thế mà thôi. Phải chăng điều đó cũng đã được Thượng Đế tính toán, cũng như đã được nằm sẵn trong chương trình và ý định tuyệt vời của Ngài.

Thực vậy, nếu Ngài dựng nên con người trong tình trạng hoàn hảo và thánh thiện, thì có lẽ lúc bấy giờ thế gian này sẽ chán phèo và buồn tênh, bởi vì nó phẳng lặng như mặt nước hồ thu và con người sẽ chẳng còn tạo được cho mình một chút công trạng nào cả. Với những khuyết điểm mang trong thân phận, con người phải cố gắng, phải phấn đấu từng giây từng phút. Chính những cố gắng và phấn đấu này đã góp phần làm nên vẻ đẹp của con người.

Từ ngàn xưa, các cụ ta vốn thường quan niệm :
- Gái trong khung cửi, giai ngoài chân mây.
Có nghĩa là đờn bà con gái thì lo quán xuyến những công việc trong nhà, như bếp núc và nuôi dạy con cái. Còn đờn ông con giai thì lo gánh vác những công việc ngoài ngõ, tức là những công việc mang tính cách xã hội.
Tuy nhiên, trong những tháng năm gần đây, nhất là kể từ khi phong trào giải phóng phụ nữ, hay nói cách khác kể từ khi phong trào đờn bà con gái vùng lên đòi bình đẳng với đờn ông con giai, thì phe ta dần dần thoát ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, để dấn thân vào xã hội và cũng đã gặt hái được những thành công rạng rỡ, chẳng thua gì cánh mày râu.

Chẳng hạn như bà Golda Meir, một khuôn mặt chính trị sáng giá của Do Thái. Bà đã từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao từ năm 1956 đến năm 1966, rồi nắm giữ chức thủ tướng từ năm 1969 đến năm 1974. Tuy mang tiếng thuộc về phe liễu yếu đào tơ, nhưng bà đã thực sự dùng những biện pháp mạnh trong đường lối lãnh đạo của mình.

Chẳng hạn như bà Margaret Thatcher, cũng là một khuôn mặt chính trị sáng giá của dân Ăng Lê. Bà là lãnh tụ của đảng Bảo Thủ vào năm 1975, giữ chức thủ tướng suốt ba nhiệm kỳ, từ năm 1979 đến năm 1990, và cũng đã dùng những biện pháp mạnh để giải quyết các vấn đề bang giao quốc tế, thí dụ việc sử dụng quân đội chống lại Argentina về hòn đảo Falkland.

Và theo sự đánh giá của bàn dân thiên hạ, thì hiện nay có hai phụ nữ quyền lực nhất thế giới, đó là bà Angela Merkel, thủ tướng nước Đức và bà Condoleezza Rice, bộ trưởng ngoại giao của Mỹ…Và còn rất nhiều khuôn mặt đờn bà con gái khác đang từng làm mưa làm gió tại nhiều lãnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, dù ở trong nhà hay ở ngoài ngõ, thì một nét duyên ngầm, nhưng lại rất hấp dẫn của đờn bà con gái, đó là sự dịu hiền và tế nhị được biểu lộ qua từng ánh mắt, từng lời nói, từng cử chỉ, khiến cho phe đờn ông con giai phải chết mê chết mệt, chết đứ chết đừ.
Thế nhưng trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng gặp phải những người đờn bà rất hung dữ, chẳng còn tí tẹo nào là dịu hiền và tế nhị. Sự hung dữ này rất có thể do di truyền và nằm sẵn trong máu huyết, trong lục phủ ngũ tạng của họ. Bản chất của họ là hung dữ, theo kiểu phát biểu của Nho giáo :
- Nhân chi sơ, tính vốn…dữ.
Gã xin đưa ra hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất tiêu biểu cho trường phái phương tây, đó là bà vợ của Socrate.
Hẳn rằng nhiều người trong chúng ta đã biết Socrate là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ xưa, lý thuyết của ông còn ảnh hưởng cho tới ngày nay, thế nhưng tai hại thay, ông lại là nạn nhân của một bà vợ hung dữ. Bà đã khinh thường ông, coi ông chỉ là hạng “dài lưng tốn vải”, cũng như “trói gà không chặt”.
Có lần sau một trận xỉ vả thậm tệ, tức quá bà liền đổ cả một chậu nước dơ lên người ông, nhưng ông vẫn thản nhiên nói với mọi người :
- Trời có sấm sét, ắt hẳn sẽ đổ mưa.
Lần khác, bà đã hất tung hất té mâm cỗ ra ngoài sân. Mâm cỗ mà ông đã cẩn thận làm để đãi bạn bè. Và thế là ông bèn ngồi yên lặng nhặt lên cho bằng hết. Món nào còn ăn được thì ăn, bằng không thì bỏ đi, mà chẳng than van một lời.

Trường hợp thứ hai tiêu biểu cho trường phái phương đông, đó là bà vợ của Trần Qúi Thường.
Theo điển tích người xưa, thì chúng ta được biết : Trần Quí Thường, quê tại tỉnh Hà Đông bên Tàu, có một người vợ nổi tiếng hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, thì đều được nghe bà vợ này la hét, chửi bới thật ồn ào và quá đáng.
Thấy vậy, thi sĩ dòng họ Tô mới làm một bài thơ châm biếm, trong đó có câu :
- Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ tượng lạc thủ tâm mang mang.
Có nghĩa là :
- Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Tay run, gậy rớt, lòng kinh hãi.

Từ điển tích này, người ta mới dùng cụm từ “sư tử Hà Đông” để ám chỉ người vợ hung dữ. Tuy nhiên, ngoài cụm từ này, bàn dân thiên hạ còn dùng một vài danh xưng khác nữa.
Chẳng hạn danh xưng “bà chằn”. Theo truyện thần thoại, thì chằn là một con yêu tinh dữ tợn và hay ăn thịt người, đã bị Thạch Sanh giết chết. Vì thế hai chữ bà chằn được dùng để chỉ người đờn bà hung dữ.
Chẳng hạn danh xưng “bà la sát”. Theo tiếng Phạn (Ấn Độ), thì bà la sát là một con quỷ ăn thịt người. Dựa vào đó, người bình dân dùng ba chữ bà la sát để chỉ người đờn bà hung dữ, mặc dù chữ bà trong tiếng Phạn và trong tiếng Việt chỉ đồng âm mà thôi, chứ không đồng nghĩa một tí ti nào cả.

Nếu nhái theo tựa đề tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, thì có những người, đờn bà cũng như đờn ông, vốn hung dữ tự bản tính : Thoạt sinh ra thì đã hung dữ. Nhưng có nhưng người, đờn ông cũng như đờn bà, do hoàn cảnh bên ngoài tác động mà trở nên hung dữ.
Thực vậy, có những bà và những chị, tự bản chất vốn hiền như ma…sơ, thế nhưng, một khi đã nắm được tí quyền trong tay, hay một khi đã kiếm được nhiều tiền, không cần phải cậy dựa vào người chồng nữa, thì bỗng nhiên trở thành hung dữ.
Sự hung dữ ở đây cần phải được hiểu về cả ba phương diện : tư tưởng, lời nói, cũng như việc làm. Về tư tưởng thì luôn áp đặt những ý nghĩ của mình lên chồng con theo kiểu cả vú lấp miệng em. Về lời nói thì sẵn sàng tuôn ra những ngôn từ đao to búa lớn và không ngần ngại chửi bới, tung hê và văng đủ thứ ra cho chồng con xơi. Về việc làm thì luôn dùng biện pháp mạnh, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, mặc dù mình chỉ là phái…yếu.

Gã xin đưa ra một thí dụ cụ thể. Thí dụ này được trích từ một bài viết mang tên “Khi vợ gia trưởng” của Văn Nhuệ, được đăng trên tuần báo Gia đình số 38, năm 2006.
Chị là một người năng động, giỏi giang và rất có năng lực quản lý. Chẳng thế mà con đường thăng tiến của chị được bạn bè ví lên “như diều gặp gió”. Chị được đề bạt làm phó giám đốc một công ty lớn và luôn được “uy” với cấp dưới. Ở cơ quan, chị quyết định chuyện gì, thì cấp dưới phải nhất nhất thi hành.
Khi về nhà, chị cũng thể hiện “năng lực quản lý” ấy đối với chồng con. Phải thừa nhận chị là một người đảm đang. Dù bận bịu với công việc ở cơ quan, nhưng chị vẫn quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Sau giờ làm việc, về đến nhà chị xắn tay áo lao vào chuyện bếp núc, chuyện học hành của con cái, cũng như công việc của chồng.
Trong nhà ai có việc riêng tư gì, thì chị cũng tham gia giải quyết và yêu cầu người đó thực hiện những gì mình đã chỉ bảo. Con trai đi dự sinh nhật bạn gái, chị dắt đi mua quà tặng vì cho rằng :
- Phải tặng quà làm sao để người nhận không đánh giá thấp người nhà mình. Chồng chị có chuyện xích mích với đồng nghiệp, chị yêu cầu anh giải quyết theo phương án của chị, mặc cho anh phân tích những cái sai trong phương án ấy. Nhiều khi chị còn tự ý đi gặp đồng nghiệp của chồng để dàn xếp, khiến anh bị một phen mất mặt. Chị không yên tâm khi chồng con quyết định bất cứ sự gì. Chị tin rằng cách giải quyết của chị mới đạt hiệu quả nhất. Chị không cho ai bàn bạc. Chị không cần ai góp ý. Chị thường nhắc đi nhắc lại điệp khúc :
- Tôi đã quyết định thì mọi người phải nghe theo…
Khi chồng con phản đối, thì chị lý sự :
- Tôi làm thế chỉ vì muốn mang lại điều tốt cho mọi người.
Chị yêu cầu chồng sau giờ làm việc không được đi uống bia hay la cà với bạn bè, vì chị khẳng định : tại những nơi ấy đều có những tệ nạn xã hội. Chị mua sắm vi tính, nhưng nhất định không chịu cài đặt internet vì sợ chồng con truy cập các trang Web “đen”.

Mỗi buổi sáng, trước khi đến sở, chị căn dặn chồng con phải làm việc này việc kia. Và ban tối, chị kiểm điểm chồng con xem đã thực hiện như thế nào. Việc gì không làm được, thì chị lên mặt “dạy chồng”, “chửi con”. Chị có quá nhiều yêu cầu đối với chồng con, song bản thân lại tự cho mình quyền được làm “mọi chuyện mình thích”. Với chị mọi người làm cái gì cũng sai, còn cái đúng luôn thuộc về chị.
Hậu quả là con cái vì sợ chị nên không dám cãi lời. Còn chồng chị thì mỗi ngày một “chán vợ” hơn.
Theo những nhà… ”ngâm kíu” thì hiện nay nhiều anh chồng đang có xu hướng “thuần” và qui phục chị vợ hơn. Rất có thể đây là kết quả của công trình “nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan” của chị vợ. Trong gia đình, vì nhiều nguyên nhân có khi vì quá thành công trên đường đời, có khi vì những thất bại chua cay, anh chồng đang âm thầm nhường lại quyền làm chủ cho chị vợ. Chính vì thế, chị vợ thừa thắng xông lên, dễ dàng lấn át vị trí của anh chồng, dường như chị ta đứng ở một vị trí cao hơn để chỉ huy mọi người trong nhà.
Để diễn tả tình trạng này người xưa đã dùng câu tục ngữ :
- Lệnh ông không bằng cồng bà.

Thực vậy, lệnh là cái chiêng đồng nhỏ, tiếng thanh, thường được dùng làm hiệu xuất quân. Còn cồng là cái chiêng đồng lớn, tiếng trầm, thường được dùng làm hiệu thu quân. Mặc dù ông phát lệnh xuất quân, nhưng nếu bà đánh cồng để thu quân, thì tiếng cồng chắc chắn sẽ át tiếng lệnh, khiến mọi người cứ phải theo đó mà rút lui.

Tại nhiều gia đình, gã thấy quyền hành của chị vợ…to lớn hơn quyền hành của anh chồng gấp bội. Và cũng từ đó, người ta sử dụng câu nói đùa này để chế diễu các ông chồng…sợ vợ!
Tuy nhiên, các chị vợ cũng cần phải lưu ý : sự chịu đựng cũng như nhường nhịn nào cũng có giới hạn của nó, bởi vì tức nước vỡ bờ, tới lúc người chồng không thể nào chịu đựng, nhường nhịn, và nể nang được nữa, thì buộc lòng phải phản ứng lại. Và những phản ứng lúc bấy giờ thường là những phản ứng gắt gao và thảm khốc, gây nên những đổ vỡ.
Không thiếu gì những người chồng vốn nổi tiếng hiền lành, nhưng một khi đã tức giận, thì lại thường cộc cằn, phản ứng một cách quyết liệt và mạnh mẽ.
Được hỏi về chuyện sợ vợ của mình, phần lớn các anh chồng đều đồng ý với câu trả lời như sau :
- Chúng tôi chẳng hề sợ vợ, vì nếu sợ thì còn đâu là cái bản lãnh của một đấng tu mi nam tử. Chẳng qua chỉ vì chúng tôi nể vợ mà thôi, không muốn làm to chuyện, khiến cửa nhà bị tan hoang. Nếu có đôi co và cãi vã, hàng xóm biết được, thì chỉ tổ “xấu thiếp hổ chàng”. Thôi thì cứ nhịn đi cho xong chuyện.
Vì vậy, đừng thấy chồng cả nể mà đã vội được đàng chân lân đàng đầu, mặc sức o ép chồng con. Sự hiền lành và tế nhị bao giờ cũng là nét duyên thầm của người phụ nữ. Chẳng thế mà nền luân lý Khổng Mạnh ngày xưa đã đòi hỏi người con gái phải có tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh.

Để kết luận, gã xin kể lại một thí dụ cụ thể khác nữa :
Trong những lúc ngồi hàn huyên tâm sự với bè bạn, chị thường khoe chồng mình là một người hiền lành như…cục đất. Chẳng bao giờ dám nổi nóng đánh đập hay chửi bới vợ con. Tuy nhiên, đối lập với sự điềm đạm và ít nói của anh là tính cách nóng “như Trương Phi” của chị. Không ít lần giận chồng và bực con, chị đã đập phá chén bát, quẳng vứt đồ đạc, thét lên những lời quá quắt khó nghe, khiến bố con anh tròn mắt hãi hùng.
Vẫn bằng cái giọng tự tin thái quá, chị luôn thanh minh thanh nga :
- Tính mình hễ tức giận là sôi máu lên, không thể kiềm chế được, phải đá thùng đụng nia, hoặc xả hết những dồn nén trong lòng ra ngay lập tức. Cũng may mà ông xã nhường nhịn, không cố chấp, chứ nếu chẳng ai chịu nhường ai, thì có lẽ đã lôi nhau ra tòa từ lâu rồi.
Chị cười cười, thừa nhận sự nóng nảy cộc cằn đã thấm sâu vào bản chất của chị, nên dù biết là sai mà vẫn cứ chứng nào tật nấy…Thế nhưng, trong thâm tâm chị vẫn tự hào về khả năng điều khiển chồng và vị trí làm gia trưởng của mình.
Anh là người hiền lành, thương vợ thương con và sống có trách nhiệm với những người thân yêu. Chẳng bao giờ anh quát mắng, chỉ trích hay dằn vặt cả khi chị và hai đứa con lỗi lầm và sai phạm. Anh luôn nỗ lực xây dựng bầu không khí đầm ấm, yên vui, tràn ngập thường xuyên trong gia đình.
Trái ngược với anh, chị là một phụ nữ luôn thích ăn to nói lớn, có gì chướng tai gai mắt là không để bụng được, phải nói hụych toẹt ra cho bõ tức. Chính vì tính cách này mà từ thời con gái cho đến bây giờ, chị đã gây hiểu lầm và làm mất lòng không ít người.
Những lúc vợ chồng gần gũi và tâm tình, anh thường nhẹ nhàng khuyên bảo chị nên sửa bỏ thói tật ấy, bởi vì sự nóng vội chẳng giải quyết được việc gì, mà còn làm cho mọi chuyện thêm rắc rối, phức tạp, thậm chí còn hạ thấp giá trị của chính mình. Hơn thế nữa, thói tật này càng không nên có ở người phụ nữ, vì nó làm mất đi vẻ dịu dàng, thùy mị, vốn là những đặc tính gắn liền với phái đẹp. Chị ậm ừ cho qua chuyện, chứ không để tâm tiếp thu ý kiến xây dựng của anh.
Chị cứ đinh ninh rằng anh quá hiền lành, nên mình có thiếu nữ tính một chút cũng chẳng gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Chính vì những suy nghĩ nông cạn ấy, nên chị chẳng những không làm cho mình đẹp hơn trong mắt anh, mà còn vô tình đẩy anh vào trạng thái hụt hẫng và thất vọng. Chị đâu ngờ rằng điều đó đã ảnh hưởng nặng nế tới cuộc hôn nhân của anh chị.
Lần ấy, mấy người bạn học cũ đang công tác ở miền quê, mới có dịp lên tỉnh, nên đã đến thăm vợ chồng chị, rồi họ rủ nhau ra quán bia ở đầu phố “liên hoan đánh dấu buổi gặp gỡ khó quên này”. Không muốn chồng sa đà vào nhậu nhẹt, chị định ngăn cản, nhưng thấy anh tíu tít, hớn hở cùng bạn ôn lại những kỷ niệm thời học trò, nên chị đành miễn cưỡng để họ kéo anh đi.
Suốt từ bốn giờ chiều cho tới mười giờ tối, lòng chị nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Từ ngày lấy nhau, chưa bào giờ anh chè chén về muộn khiến chị phải lo lắng như lúc này. Chuông đồng hồ điểm mười một tiếng. Chị đùng đùng nổi giận đi về phía quán bia, bụng bảo dạ :
- Phải cho cả bọn một bài học.
Xuất hiện giữa đám bạn đang cười nói rôm rả của anh, chị xối xả mắng chửi anh là phường mê rượu chè, chẳng đếm xỉa gì đến vợ con ở nhà phải trông chờ và lo lắng. Chị gạt phăng lời giải thích của anh :
- Bạn bè xa cách lâu ngày mới gặp lại đông đủ, nên vui quá không để ý tới thời gian.
Chị lôi tay chồng và nói như ra lệnh :
- Anh về nhà ngay, phải biết chọn bạn mà chơi. Những người này lần sau đừng có hòng đặt chân tới nhà của tôi.
Ông chủ quán khuyên chị có gì thì cũng nhẹ nhàng mà nói, vì trời đã khuya, chớ quấy rầy hàng xóm. Thế nhưng, chị bèn quay sang rủa ông là kẻ hám lợi, lại còn bênh vực và chứa chấp những thằng say rượu.
Tới nước này thì anh không còn im lặng như những lần trước, mà bất ngờ giật mạnh tay ra khỏi sự co kéo của chị và giơ thẳng cánh tát chị một cái nổ đom đóm mắt :
- Cô im ngay. Tôi cấm cô không được phép xúc phạm tới những người bạn thân của tôi.
Chị không chịu thua, mà còn lu loa, gào thét to hơn, khiến cuộc gặp mặt của anh và các bạn đang vui bỗng trở thành…bi kịch. Anh hổ thẹn với bạn bè vì có một người vợ thô lỗ, không biết cách đối nhân xử thế.
Sự kiện này là như giọt nước tràn ly, bởi vì sau đó anh đã quyết định ly hôn trước sự ngỡ ngàng của chị… (Phụ nữ Chủ nhật, số 41, ngày 15.10.2006).
Cùng một thể thức ấy, gã nghĩ rằng :
- Một cọng rơm, cũng có thể làm gãy lưng con lạc đà!!!

Gã Siêu gasieu@gmail.com

Chuyện phiếm của Gã Siêu.
15-5-2009 dongcong.net

Không có nhận xét nào: